Cận thị là gì?
Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác, tia sáng hội tụ ở trước võng mạc thay vì phải hội tụ tại đúng võng mạc, điều này khiến cho người bị cận thị chỉ có thể nhìn được những vật ở gần mà không nhìn rõ những vật ở xa.
Nguyên nhân dẫn đến tật cận thị?
Có nhiều nguyên nhân gây cận thị. Những nguyên nhân chính có thể kể đến là:
- Học tập và sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng gia tăng số học sinh bị cận thị. Khi đến trường các em học với cường độ cao, môi trường ánh sáng không đảm bảo tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp và đọc sách ở cự ly gần trong thời gian dài. Khi về nhà các em thường xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với cự ly rất gần hoặc đọc sách trong tư thế nằm ngửa, vì thời gian sinh hoạt kéo dài nên giấc ngủ bị ngắn lại, điều này khiến cho mức độ cận thị tiến triển nhanh hơn đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12-14 tuổi.
- Do trẻ sinh thiếu tháng và trẻ sinh ra trọng lượng quá nhẹ là yếu tố khiến cho trẻ bị cận thị và hầu hết trẻ em sinh ra với cơ thể dưới 2.5 kg thì đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.
- Cận có tính chất gia đình, thông thường bố mẹ cận thị từ 6 diop trở lên thì con cái có thể bị cận thị lên đến 100%.
- Đọc sách hoặc làm việc phải dùng mắt nhìn chăm chú thời gian dài ở khoảng cách gần, trong điều kiện ánh sáng kém.
Củng mạc yếu do cấu trúc đặc biệt của các sợi mô liên kết của bệnh nhân nên không giữ được thành nhãn cầu ổn định.
- Do cơ thể mi kém phát triển, không đủ khả năng điều tiết để làm cho con mắt thích ứng với các cự ly nhìn khác nhau. Cơ thể mi yếu phải gắng sức thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị cận thị.
- Trong trường hợp cận thị không phải ở dạng bẩm sinh mà thường xuất hiện nhiều nơi ở trẻ em ở độ tuổi từ 10-16 tuổi trong quá trình phát triển của nhãn cầu mắt.
Đặc thù nhất định về giải phẫu học về mắt, các yếu tố mang tính di truyền, đồng thời cận thị cũng có thể được gây ra bởi các nguyên nhân gây hại như stress, mắt làm việc quá sức, do mắc bệnh về mắt nói chung, do môi trường ô nhiễm nặng và nhiều nguyên nhân khác.
Dấu hiệu nhận biết cận thị, đặc biệt là đối với trẻ em?
Tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng đều gây giảm thị lực. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời:
- Lúc xem ti vi, trẻ phải lại gần mới xem được;
- Đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc;
- Ở lớp trẻ phải lại gần bảng mới nhìn được;
- Khi viết, nhiều chữ viết sai, hoặc phải chép bài của bạn;
- Hay cúi gần nhìn sách, hay nheo mắt hoặc nghiên đầu khi nhìn vật ở xa;
- Hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ;
- Thường kêu mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt;
- Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt; không thích các hoạt động phải nhìn xa...
Khắc phục tật cận thị bằng cách nào?
- Đối với trẻ em: Cần phải đeo kính đúng độ và thường xuyên để đưa mắt về chính thị, cần tái khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm tùy theo độ cận của bé.
- Các phương pháp điều trị:
+ Đối với trẻ em dưới 18 tuổi: Đeo kính gọng, đeo kính áp tròng, đeo kính Contex OK Lens (chỉnh hình giác mạc) giúp triệt tiêu độ cận tạm thời, phẫu thuật ghép tạo hình củng mạc làm tăng cường độ bền vững của củng mạc - phương pháp hiệu quả nhất cho trẻ có độ cận tiến triển nhanh.
+ Đối với người trên 18 tuổi: Dùng phương pháp phẫu thuật Lasik để triệt tiêu độ cận.
Lời khuyên của bác sĩ trong việc phòng tránh tật cận thị.
- Đối với những người cận thị: Hạn chế áp lực lên cơ quan thị giác bằng cách giảm thời gian xem ti vi và làm việc với máy tình cũng như đọc sách đến mức tối thiểu, cụ thể:
+ Trẻ em dưới 6 tuổi: Tiếp xúc dưới 30 phút 1 ngày.
+ Trẻ từ 6 - 14 tuổi: Dưới 60 phút 1 ngày.
+Trẻ trên 14 tuổi: Dưới 90 phút trong một ngày.
- Ngoài ra cần có thời gian sinh hoạt ngoài trời hàng ngày để mắt được điều chỉnh cho thích hợp với môi trường. Độ chiếu sáng của đèn không dưới 100w, đèn có chụp để che những khoảng chiếu của ánh sáng. Góc học tập cần đặt gần cửa sổ, tránh ngồi nơi khuất bóng, tư thế ngồi học đúng, kích thước bàn ghế phù hợp, khoảng cách từ mắt đến bàn học:
+ Tiểu học: 25 cm.
+ Trung học cơ sở: 30 cm
+ Trung học phổ thông và người lớn: 35 cm
Không nằm, quỳ để học bài, viết bài, không nên đọc khi đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
- Căn bằng dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cung cấp thức ăn có đầy đủ Vitamin: A, E, C và nhóm B. Ngoài ra nên cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần tại Phòng khám hoặc BV chuyên khoa mắt. Cuối cùng cần tuân thủ chỉ định của Bác sĩ chuyên khoa về việc đeo kính khi phát hiện cận thị, viễn thị hoặc loạn thị.